Vài Nơi Danh Tiếng của Thủ Đô Washington
Phạm Văn Tuấn.
1/ Địa điểm Thủ Đô và Điện Capitol.
Sau khi 13 xứ thuộc địa tại miền Tân Anh Cát Lợi tuyên bố độc lập khỏi Đế Quốc Anh vào năm 1776, các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã đồng ý về một bản Hiến Pháp và đã nghĩ tới một thủ đô cố định. Vào thời kỳ ban đầu, thủ đô của Hoa Kỳ đã phải di chuyển tùy theo tình hình chiến sự, từ thành phố Philadelphia tới các thành phố Baltimore, trở lại Philadelphia, tới Lancaster, York, trở lại Philadelphia, rồi Princeton, Annapolis, Trenton và New York trước khi quay trở về Philadelphia vào năm 1790.
Việc tìm kiếm một địa điểm xây dựng thủ đô mới đã nằm trong đầu óc của viên kiến trúc sư trẻ gốc Pháp Pierre L’Enfant và ông này đã chọn lựa một miền đất hình vuông, rộng mỗi chiều 10 dặm. Vào năm 1791, khu vực thuộc quyền liên bang này còn là một vùng định cư thưa thớt, được cắt ra từ hai tiểu bang Maryland và Virgina. Ông Pierre L’Enfant đã ấn định rằng trên ngọn đồi Jenkin, một địa điểm cao nhất, sẽ là nơi đặt Tòa Nhà Quốc Hội Capitol của quốc gia trẻ Hoa Kỳ.
Khu vực thủ đô được chọn lựa thuộc vùng đất của con sông Potomac, không xa với ngọn đồi Vernon là nơi cư ngụ của vị Thổng Thống đầu tiên Washington. Ông Washington thường tới các khu định cư Alexandria và Georgetown thuộc vùng đất này và đã coi giòng sông Potomac là cửa ngõ của một quốc gia lục địa, mở ra để phát triển về hướng tây.
Quốc Hội Hoa Kỳ khi đó đã đồng ý về địa điểm xây dựng với tên gọi là Thành Phố Washington trong Khu Vực Columbia (the City of Washington in the District of Columbia) để ghi nhớ công lao của vị Tổng Thống đầu tiên trong việc tạo dựng ra một quốc gia mới. Sau đó Tổng Thống Washington đã chỉ định 3 vị giám đốc công trình (commissioners) và các vị này vào năm 1792 đã phổ biến một kỳ thi vẽ kiểu Tòa Nhà Quốc Hội nằm trên ngọn đồi Jenkin. Người trúng giải trong dịp này là Bác Sĩ William Thornton, một y sĩ trước kia phục vụ tại vùng Tây Ấn thuộc Anh (the British West Indies). Bác Sĩ Thornton đã tìm cách thực hiện ý tưởng của ông Washington, đó là “Lớn Lao, Đơn Giản và Tiện Lợi”, áp dụng vào công trình xây dựng với tòa nhà có mái vòm (domed design). Chính Tổng Thống Washington đã đặt viên đá đầu tiên vào ngày 18 tháng 9 năm 1793 nhưng ông đã rời chức vụ Tổng Thống vào năm 1797 và qua đời 2 năm sau.
Sau 7 năm xây dựng cực nhọc, phần phía bắc (north wing) được làm xong để Quốc Hội dọn vô vào tháng 11 năm 1800. Nhân vật đầu tiên đọc bài diễn văn trước Lưỡng Viện Quốc Hội vào ngày 22/11/1800 là Tổng Thống John Adams. Sau đó 7 năm, Hạ Viện chiếm phần phía nam (south wing) của tòa nhà trước khi Điện Capitol này bị quân đội Anh phóng hỏa vào ngày 24/8/1814. Nhờ một trận bão lớn, tòa nhà này không bị tiêu hủy hoàn toàn và sau đó, công trình được sửa chữa và xây dựng trong hơn 5 năm do vị kiến trúc sư thứ hai là ông Benjamin Henry Latrobe.
Trong thập niên 1820, trong khi kiến trúc sư thứ ba Charles Bulfinch làm xong tòa nhà Quốc Hội với mái vòm bọc đồng bên ngoài thì quốc gia Hoa Kỳ từ 13 tiểu bang đã tăng lên 24 tiểu bang vào năm 1829. Trong 2 thập niên kế tiếp, 7 tiểu bang được sát nhập thêm. Vào năm 1800, Hạ Viện Hoa Kỳ có 106 dân biểu nhưng qua năm 1850, số dân biểu lên tới 230 vị. Điện Capitol càng trở nên chật hẹp nên hai phần nữa được xây dựng thêm, ngay cả vào thời gian Hoa Kỳ bị cuộc nội chiến tàn phá. Cũng vào lúc này, mái vòm lớn bằng sắt đúc do ông Thomas U. Walter vẽ kiểu, được làm xong và bức tượng Tự Do (the Statue of Freedom) được đặt lên trên mái vòng vào ngày 02/12/1863.
Điện Capitol là biểu tượng sáng ngời của các nguyên tắc lập quốc Hoa Kỳ, là nơi Quốc Hội đại diện toàn dân trong công trình xây dựng đất nước, trong một hoàn cảnh phát triển mà chính vị kiến trúc sư Pierre L’Enfant trước kia chưa hề nghĩ đến.
2/ Đài Kỷ Niệm Tổng Thống Washington (Washington Monument).
Địa điểm: trên đường Constitution, giữa đường 15 và đường 17.
Trạm xe điện ngầm: Smithsonian.
Giờ mở cửa: tháng 4 tới tháng 8: từ 8 giờ sáng tới nửa đêm, tháng 9 tới tháng 5: từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Vào cửa miễn phí.
Ý tưởng kỷ niệm Tổng Thống George Washington đã bắt đầu 16 năm trước khi ông Washington qua đời, vào thời Quốc Hội Lục Địa của năm 1783, nhưng Quốc Hội này còn gặp nhiều khó khăn, ngân quỹ không có, nên tới năm 1830 khi gần tới ngày sinh của ông Washington, các hoạt động mới được trù liệu. Đầu tiên, một ngôi mộ của Tổng Thống Washington được xây dựng dưới vòm cao của Điện Capitol dùng để lưu trữ di cốt của vị khai quốc, nhưng người cháu của ông Washington viện dẫn di chúc, đã từ chối cho phép di chuyển di cốt từ Mount Vernon.
Tới năm 1830, ông Horatio Greenough được giao phó trọng trách tạo nên một bức tượng của Tổng Thống Washington để đặt dưới vòm cao của Điện Capitol, nhưng bức tượng nửa người này, khoác áo giống như tượng Hy Lạp, đã bị nhiều người phản đối là giống như một nhân vật bước ra từ trong phòng tắm, vì vậy bức tượng này được đặt trong Viện Smithsonian.
Cuối cùng vào năm 1833, các cư dân giàu có của miền Washington đã lập nên Hội Đài Kỷ Niệm Quốc Gia Washington (the Washington National Monument Society), một tổ chức tư nhân, để thiết lập một đài kỷ niệm. Hội này đã chấp nhận kiểu mẫu của Kiến Trúc Sư Robert Mills có phần tháp bút obelisk của Ai Cập và phần nền là một ngôi đền 30 cột. Về sau kiểu mẫu này đã bị thay đổi và không còn các cột đứng nữa.
Việc xây dựng bắt đầu vào ngày 4 tháng 7 năm 1848 nhưng chẳng bao lâu ngân quỹ cạn tiền. Hội bèn kêu gọi sự tham gia của các nơi khác. Hơn 100 quốc gia, tiểu bang, thành phố và tư nhân đã yểm trợ công cuộc xây dựng. Tiểu bang Alabama vào thời kỳ này không có tiền, nên đã đóng góp đá hoa. Tới thời kỳ Nội Chiến Nam Bắc Mỹ, công việc kiến thiết bị ngừng lại cho tới năm 1876, Tổng Thống Grant đã chấp nhận dùng ngân quỹ Liên Bang để hoàn thành công trình.
Đài Kỷ Niệm Tổng Thống Washington là một kiến trúc khổng lồ, hình cây tháp bút, cao 555 feet (169 mét), nặng 90,845 tấn, có đáy hình vuông mỗi cạnh 17 mét (55 feet), tháp nhọn dần lên trên tới chỗ cao nhất có cạnh 10 mét (35 feet) và phần chóp là một kim tự tháp bằng nhôm. Bên trong đài kỷ niệm được lát bằng đá hoa của hai tiểu bang Maryland và Massachusetts. Khi từ bên ngoài bước vào phòng đợi của Đài Kỷ Niệm, du khách sẽ gặp bức tượng sao chép bằng đồng từ tác phẩm của nhà điêu khắc người Pháp Jean Antoine Houdon. Du khách có thể dùng thang máy đi lên đỉnh tháp trong 70 giây, hoặc đi bằng cầu thang 897 bậc, nếu theo cách sau này, du khách sẽ nhìn thấy 192 tảng đá kỷ niệm quà tặng từ các quốc gia, tiểu bang, các tổ chức và tư nhân. Qua các cửa sổ mở ra trên ngọn tháp, du khách nhìn thấy Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Lincoln, Tòa Bạch Cung, Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Jefferson và Điện Capitol.
Đài Kỷ Niệm Tổng Thống Washington được khánh thành vào ngày 21 tháng 2 năm 1885 và ba năm sau mở cửa đón dân chúng.
3/ Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Lincoln (Lincoln Memorial).
Địa điểm: trên đường Constitution và góc đường 23. Vào cửa tự do.
Trạm xe điện ngầm: Foggy Bottom.
Sau khi Tổng Thống Lincoln bị ám sát vào năm 1865, dân chúng Hoa Kỳ đòi hỏi phải tạo dựng một đài tưởng niệm nhưng họ đã phải chờ đợi tới 50 năm. Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Lincoln được vẽ kiểu vào năm 1912 do Kiến Trúc Sư người Mỹ Henry Bacon, theo mẫu của Điện Parthenon của Hy Lạp, gồm 36 cột kiểu Doric, mỗi cột cao 44 feet (13 mét), 36 cột này tượng trưng cho con số tiểu bang Hoa Kỳ vào lúc ông Lincoln qua đời.
Đài Tưởng Niệm này rộng 43 hectares (107 acres), tọa lạc trong công viên Potomac, nằm về phía đông của giòng sông Potomac, được bắt đầu xây dựng vào năm 1914 và khánh thành vào ngày 12 tháng 5 năm 1922, nhân ngày sinh của Tổng Thống Lincoln. Người con trai sống còn duy nhất của ông Lincoln là Robert Todd Lincoln, đã được mời làm khách danh dự trong buổi lễ kể trên. Tại Đài Tưởng Niệm, tên của 48 tiểu bang được khắc chung quanh trên phần tường gần mái (the frieze) rồi về sau, bảng đồng của 2 tiểu bang Alaska và Hawaii được gắn thêm vào phần trước của Đài Tưởng Niệm.
Bức Tượng Tổng Thống Lincoln ngồi, cao 19 feet (5.8 mét), nhìn ra bên ngoài, là do nhà điêu khắc Daniel Chester French tạc từ 28 khối đá hoa trắng ghép lại thật sát khiến cho du khách không thể nhận ra chỗ nối. Trên tường của đài tưởng niệm có khắc Bài Diễn Văn Gettysburg và Bài Diễn Văn Nhậm Chức lần thứ hai của Tổng Thống Lincoln.
Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Lincoln đã từng là địa điểm của nhiều biến cố lịch sử. Vào năm 1939, danh ca người Mỹ da đen Marian Anderson đã trình diễn tại đây khi bị Hội Các Người Con Gái của Cách Mạng Hoa Kỳ (The Daughters of The American Revolution) vận động việc khước từ biểu diễn trong Đại Sảnh Quốc Hội (the Constitution Hall). Tới năm 1963 trong cuộc vận động Dân Quyền tại Thủ Đô D.C., Mục Sư Martin Luther King Jr. đã đọc bài diễn văn lừng danh “Tôi có một Giấc Mơ” trên nền của Đài Tưởng Niệm này.
4/ Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Jefferson (Jefferson Memorial).
Địa điểm: phái nam Hồ Tidal Basin. Vào cửa tự do.
Trạm xe điện ngầm: Smithsonian.
Đài Tưởng Niệm có mái tròn này rộng 7.4 hectares (18 acres), được khánh thành vào năm 1943 nhân ngày sinh thứ 200 của ông Jefferson, 4 năm sau khi Tổng Thống Franklin Roosevelt đặt viên đá đầu tiên. Đây là địa điểm mát mẻ nhất nhờ gió thổi từ Giòng Sông Potomac, rất đẹp nhờ Rừng Cây Anh Đào được nước Nhật Bản tặng vào năm 1912.
Bên trong đài tưởng niệm là bức tượng bằng đồng của Tổng Thống Thomas Jefferson cao 19 feet (5.8 mét) do nhà điêu khắc Rudulph Evans, đặt trên bệ cao 6 feet (1.8 mét) bằng đá hoa cương của tiểu bang Minnesota, tất cả ở dưới vòm cao xây dựng theo kiểu mẫu Điện Pantheon của La Mã, cùng với 26 cây cột kiểu Ionic rất lớn. Trên các bức tường bên trong đài tưởng niệm có khắc các câu trích dẫn từ “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” của Hoa Kỳ, “Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo của miền Virginia”, các lời ghi chép về miền Virginia và một bức thư của ông Jefferson viết vào năm 1815. Tất cả công trình kiến trúc này do kiến trúc sư John Russell Pope vẽ kiểu và thực hiện.
5/ Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ trong Cuộc Chiến Tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial).
Địa điểm: trên đường Constitution, gần đường 22. Vào cửa tự do.
Trạm xe điện ngầm: Foggy Bottom.
Vào ngày 27 tháng 4 năm 1979, một nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ trong vùng thủ đô Washington D.C. đã lập ra một tổ chức từ thiện bất vụ lợi (a nonprofit charitable organization) gọi tên là Ngân Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tại Việt Nam (the Vietnam Veterans Memorial Fund, Inc.) và tổ chức này muốn xây dựng một công trình tưởng niệm theo ý tưởng của cựu trung sĩ bộ binh Jan Scruggs. Đây sẽ là một biểu tượng cụ thể, xác nhận vài trò của cựu chiến binh Hoa Kỳ.
Công trình tưởng niệm này phải đạt được các yêu cầu sau: (1) có đầy đủ tính chất phản ánh và suy tưởng về những người đã hy sinh cho Tổ Quốc, (2) phải hòa hợp với các môi trường chung quanh, đặc biệt là các đài kỷ niệm quốc gia gần đó, (3) phải ghi khắc tên họ của những chiến binh đã chết và bị coi là mất tích, (4) không mang màu sắc chính trị đối với cuộc chiến tại Việt Nam.
Tổ chức bất vụ lợi kể trên muốn theo đuổi một đường hướng hòa giải quốc gia, không muốn liên hệ tới các chính sách của các chính phủ Hoa Kỳ.
Vào ngày 01 tháng 5 năm 1981, cuộc thi vẽ kiểu đài kỷ niệm đã được tổ chức và cô kiến trúc sư Maya Ying Lin, 21 tuổi, sinh viên Đại Học Yale, đã thắng 1421 người dự tranh giải, trong số này có cả ông thầy của cô. Cô Lin đã vẽ kiểu Đài Tưởng Niệm như thể một công viên nhỏ nằm bên trong một công viên lớn, một nơi yên tĩnh, được bảo vệ, lại hòa hợp với cảnh quang bên ngoài. Để thực hiện ảnh hưởng này, cô Lin đã chọn các bức tường bằng đá hoa cương màu đen (black granite) được đánh thật bóng láng để phản chiếu các cây cối, vườn cỏ, đài kỷ niệm và các khách thăm viếng đi tìm kiếm tên họ của các tử sĩ. Cô Lin mô tả bức tường đá đen vĩ đại này là “một chỗ đất nứt và trong lòng đất này có các bức tường đá đen, dài, bóng láng, nhô ra rồi lẩn khuất vào trong lòng đất... để diễn tả rằng con người ra khỏi nền đất rồi lại trở về trong lòng đất”.
Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ được khánh thành vào ngày 13/11/1982, gồm 2 bức tường lớn, hướng về Đài Kỷ Niệm Tổng Thống Washington và Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Lincoln, dài tất cả 246.75 feet, tạo thành một góc 125 độ 12 phút, chỗ cao nhất của bức tường là 10.1 feet. Các bức tường này làm bằng đá hoa cương đen khai thác tại Bangalore, Ấn Độ, được cắt và chế tạo tại Barre, tiểu bang Vermont, còn tên họ các chiến binh được khắc tại Memphis, tiểu bang Tennessee với chiều cao mỗi chữ là 0.53 in. và độ sâu 0.038 in.
Các bức tường của đài tưởng niệm mang tên 58,214 chiến binh Hoa Kỳ đã chết hay mất tích tại Việt Nam theo thứ tự ngày qua đời. Cạnh tên mỗi chiến binh có hình viên kim cương (a diamond) nói lên rằng sự chết đã được xác nhận, trong khi một dấu thập tự (a cross) chứng tỏ người chiến binh bị mất tích. Hiện nay số chiến binh mất tích là 1,150 người.
Gần Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh, còn có Tượng 3 Chiến Binh (Three Servicemen Sculture) do nhà điêu khắc danh tiếng Frederick Hart thực hiện. Ông Frederick Hart đã mô tả 3 chiến binh như sau: họ mặc quân phục và mang vũ khí, vẻ non nớt trên diện mạo của họ tương phản với vũ khí chiến tranh, đã nói lên một cách hùng hồn sự hy sinh của họ. Ba bức tượng còn diễn tả rõ ràng tinh thần đồng đội, sức mạnh và tính cách dễ bị tổn thương.
Gần Tượng 3 Chiến Binh là Tượng Kỷ Niệm Các Nữ Cứu Thương (Vietnam Women’s Memorial) tạc do nhà điêu khắc Glenna Goodacre và khánh thành vào ngày 11 tháng 11 năm 1993, mô tả 3 phụ nữ chăm sóc một chiến sĩ bị thương. Đây là tác phẩm điêu khắc mô tả tấm lòng can đảm và hy sinh của các phụ nữ trong Quân Đội Hoa Kỳ, đã tham dự vào cuộc chiến. Chung quanh các bức tượng này có trồng 8 cây Yellowwood, để tưởng nhớ 8 người nữ chiến binh đầu tiên đã bỏ mình tại Việt Nam.
Ngày nay, Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ thuộc về Hệ Thống Công Viên (the National Park System) và cơ quan này quản trị 370 công viên, tất cả tượng trưng cho các di sản thiên nhiên và văn hóa của quốc gia.
No comments:
Post a Comment